Nhóm dân tộc Tày và Nùng

      Người Tày và Nùng thuộc chung ngữ hệ Tày - Thái và có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Theo truyền thống, cả người Tày và người Nùng xây dựng nhà sàn của mình bằng 4 đến 7 hàng cột đỡ, tạo thành hai khu vực rõ rệt, phần bên trên sàn làm nơi tiếp khách, bếp đun và nơi ở.Phần dưới gầm sàn làm nơi cất giữ nông cụ và chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Thông thường, mái nhà sàn có kết cấu hai mái hoặc bốn mái được làm bằng rạ, lá cọ. Kiểu nhà sàn được lợp bằng ngói rất phổ biến ở Ba Bể mặc dù hiện nay nhiều đình gia đã có sự cách tân khi xây nhà trực tiếp lên nền đất.

 

Sử dụng thuyền độc mộc - một nét văn hóa của cư dân vùng hồ Ba Bể

      Từ lâu, người Tày ở các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có truyền thống canh tác lúa nước dọc theo các thung lũng, ven sông, suối đồng thời họ cũng canh tác nhiều mùa vụ khác. Lịch mùa vụ được đánh dấu bằng lễ hội “Lồng tồng” -Lễ hội xuống đồng. Đây là dịp tụ họp nhân kết thúc vụ thu hoạch để cúng tạ ơn thần nông đã phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn no đủ và cầu mùa kết hợp với cầu mưa cho năm tới mùa màng bội lại thu, con người khoẻ mạnh ấm no. Lễ hội Lồngtồng là một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong vùng được tổ chức ngay bên hồ Ba Bể vào ngày mồng 10 Tết Âm Lịch hàng năm. Vào dịp lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức các loại bánh gio, bánh trời, xôi ngũ sắc, trứng vịt xanh đỏ, được xem đánh yến, đánh còn, xem chọi bò, bắt vịt và đua thuyền độc mộc…

      Theo truyền thống, người Tày quanh hồ Ba Bể thường chăn nuôi và đánh bắt cá. Thuyền độc mộc cũng được sử dụng cho mục đích này.

      Cư dân người Tày vốn nổi tiếng với nghề dệt và thêu thổ cẩm. Họ thường sử dụng những sản phẩm thêu dệt làm ri -đô ngăn phòng, rèm cửa phòng, cửa sổ, địu, tay nải và khăn trải bàn. Thổ cẩm giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần và tình cảm của đồng bào Tày. Đó là món quà ngày cưới mà cô dâu mang về nhà chồng, là quà tặng cho trai gái yêu nhau, là quà mừng đầy tháng của đứa trẻ... Nguyên liệu chính của dệt thổ cẩm là sợi được nhuộm thành nhiều màu khác nhau. Khung dệt của người Tày có kích thước lớn nhất và phức tạp nhất so với các khung dệt khác được tìm thấy ở Việt Nam. Hiện nay nhiều hộ gia đình ở trong và ngoài vườn quốc gia Ba Bể vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo thu nhập phụ cho gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá cho các thế hệ mai sau.

      Người Tày có truyền thống âm nhạc riêng, truyền thống âm nhạc này vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh đến văn hoá trong khu vực. Vườn quốc gia khuyến khích truyền thống âm nhạc và múa hát ở địa phương và các buổi trình diễn thường do các nhóm của các bản làng địa phương thực hiện. Nhạc cụ đặc biệt nhất của người Tày là “đàn tính”, một nhạc cụ dây dài với hộp âm hình bán nguyệt ở cuối. Đến Ba Bể, ở những nhà nghỉ sinh thái của hai bản Pác Ngòi và Bó Lù, du khách vừa hít thở bầu không khí trong lành vừa được nghe hát then, nghe tiếng đàn tính của người Tày bản địa - xu hướng phát triển du lịch cộng đồng hiện nay của địa phương.

Nhóm dân tộc Dao và Mông

      Tộc người Mông và người Dao thuộc cùng một nhóm ngữ hệ, do vậy có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể, họ thường sống trên núi cao, chủ yếu canh tác nông nghiệp trên diện tích đất dốc được khai hoang trước đây, tuy nhiên vẫn dựa vào các nguồn tài nguyên rừng để hỗ trợ cho sinh hoạt hàng ngày của họ.

      Ở Ba Bể nhà của người Mông thường được xây trực tiếp trên nền đất. Các loại nông sản chủ yếu của người Mông là ngô. Bên cạnh bếp lửa là hình ảnh cô gái H’mông đang say ngô để làm “Mèn Mén”. Các loại lương thực khá thông dụng khác là bí, đậu tương, sẵn và gạo nương.

      Trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, các bản làng người Mông thường ở vị trí biệt lập hơn so với bản làng các tộc người khác song tính cộng đồng của người họ rất bền chặt. Người Mông có ý thức văn hoá rất cao, đặc biệt là qua các trang phục đặc sắc của mình. Có 3 phân Mông ở Ba Bể là Mông trắng, Mông đen và Mông xanh.

      Đời sống tâm linh của người Dao tập trung vào thờ cúng tổ tiên và Bàn Vương - ông tổ chung của họ. Điều này có sự liên hệ chặt chẽ với các yếu tố của Đạo Phật. Đạo Lão, và Đạo Khổng Tử.

      Hầu hết các bản người Dao ở Vườn Quốc gia Ba Bể đều có thày Tào - người làm cầu nối giữa thế giới con người và thế giới của thần linh. Thày Tào giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của tộc người Dao, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả cộng đồng. Thầy Tào thường tiến hành các nghi lễ cho các sự kiện quan trọng của người Dao như lễ cấp sắc, cưới hỏi, sinh con, động thổ, vào nhà mới, lễ cầu mùa hay đám ma hoặc vào ngày giỗ, tết.

 

Nấu rượu ngô Khưa Quang - đặc sản của người Dao Ba Bể

      Nói đến Ba Bể không thể không nhắc đến rượu ngô - một dấu ấn riêng của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Trong câu chuyện của những ông già người Dao, nghề nấu rượu ngô đã có từ thời cây ngô vẫn là thứ lương thực chính của đồng bào các dân tộc nơi đây.Trong nhiều năm nay, rượu ngô Khưa Quang - Ba Bể không chỉ được người dân trong vùng ái mộ mà dần dần nó đã trở thành một sản phẩm được nhiều người ngoại tỉnh biết đến.

      Mặc dù những năm trở lại đây, du lịch sinh thái bắt đầu được chú trọng phát triển tại vùng hồ Ba Bể, lượng du khách đến với Vườn Quốc gia ngày một tăng nhưng những nét văn hóa đặc sắc, rất riêng của các dân tộc vẫn được giữ gìn, tạo nên sự độc đáo của vùng hồ Ba Bể./.

Tác giả:  Thu Cúc