Hòa mình vào “Miền di sản yêu thương” trên Phố đi bộ Sông Cầu

29/08/2024 60 0

Dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu Phố đi bộ Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tối 27/8, một không gian đậm chất văn hóa truyền thống đã được tái hiện sống động qua Chương trình Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Bắc Kạn. Sự kiện không chỉ đánh dấu cột mốc kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024), mà còn là điểm nhấn văn hóa đặc sắc với chủ đề "Miền di sản yêu thương".

Không khí tại phố đi bộ Sông Cầu như ngập tràn trong sắc màu và âm thanh khi những nghệ nhân đến từ khắp các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn hội tụ về đây, mang theo tinh hoa văn hóa dân tộc. Qua từng tiết mục trình diễn, Ban Tổ chức đã khéo léo đưa người xem trở về với cội nguồn văn hóa của các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và lòng yêu thương đối với bản sắc riêng biệt của quê hương.

Chương trình là một phần trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn 2024 cùng với kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn khẳng định rằng chương trình là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời là sợi dây nối kết các dân tộc trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Bắc Kạn - mảnh đất hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số, nơi mà mỗi phong tục, tập quán của các dân tộc đan xen nhau, tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Những di sản quý báu này không chỉ phản ánh cuộc sống hàng ngày mà còn truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc. Điều này đã được thể hiện một cách chân thực và sinh động qua đêm trình diễn di sản văn hóa phi vật thể.

Chị Nguyễn Thị Nga, đến từ phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn không giấu được niềm tự hào khi được đứng trên sân khấu, trình diễn điệu Múa bát đặc sắc của dân tộc Tày. “Tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi được góp phần lan tỏa văn hóa của người Tày đến với du khách. Mỗi lần biểu diễn, tôi như được sống lại trong những giai điệu của quê hương và tôi hy vọng rằng những giá trị này sẽ mãi được giữ gìn và phát huy”, chị Nga chia sẻ.

Với anh Đỗ Đức Khải, một du khách trẻ đến từ Hà Giang, đêm trình diễn đã để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc. “Văn hóa của Bắc Kạn và Hà Giang có nhiều nét tương đồng, và tôi thật sự cảm thấy gần gũi khi tham gia sự kiện này. Tôi rất mong sẽ có dịp quay lại để tìm hiểu thêm về những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào nơi đây,” anh Khải hào hứng nói.

Trong đêm trình diễn, công chúng được thưởng thức 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn do các nghệ nhân và diễn viên tài năng tái hiện. Những di sản như Nghệ thuật múa khèn của người Mông, Hát Lượn slương, Trình diễn trang phục Dao đỏ, Hát Sli, lễ cấp sắc của người Dao tiền, Lượn cọi, Hát then - Đàn tính, Hát Pá Dung và Múa bát đã làm nổi bật vẻ đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn, phản ánh một cách chân thực cuộc sống lao động, sản xuất và sinh hoạt của họ.

Chương trình không chỉ là một đêm hội nghệ thuật, mà còn là hành trình đưa du khách đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc, khám phá những di sản văn hóa quý báu của vùng đất Bắc Kạn. Qua đó, sự kiện góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định tiềm năng du lịch văn hóa của tỉnh trong bức tranh phát triển bền vững của khu vực.

Một số hình ảnh tại Chương trình Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Bắc Kạn:

Di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông do các nghệ nhân huyện Pác Nặm trình diễn.

Phần trình diễn trang phục người Dao Đỏ của các nghệ nhân huyện Ngân Sơn và Chợ Đồn

Trích đoạn Lễ cấp sắc của người Dao Tiền qua sự thể hiện của các nghệ nhân huyện Bạch Thông.

Di sản hát Then - đàn Tính của người Tày qua sự trình diễn của các nghệ nhân huyện Ba Bể.

Màn múa bát của 200 nghệ nhân, diễn viên thành phố Bắc Kạn.

Tác giả: Hương Liễu – Trung tâm VH&XTDL

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu