Phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa bát” của người Tày tỉnh Bắc Kạn

02/02/2024 428 0

Bắc Kạn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Không chỉ vậy, nơi đây còn hội tụ bản sắc văn hóa đa dạng phong phú của 7 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Cùng với thơ, ca, truyện cổ, các lễ hội truyền thống, múa Bát là một trong những điệu múa khá phổ biến gắn với đời sống, sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của đồng bào Tày tại Bắc Kạn.

Múa Bát còn gọi là  “mủa pát” là nghệ thuật trình diễn dân gian của người Tày tỉnh Bắc Kạn.Điệu múa bát cổ của người Tày trước đây gồm 08 người tham gia một đội múa. Thời lượng diễn ra điệu múa khoảng 4-5 phút. Khi múa đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc Tày, đầu vấn khăn, đi dép quai hậu, ai đi múa tự mang bát đi, do đó đạo cụ không giống nhau. Các động tác múa bát đơn giản, người già cũng múa được, người trẻ cũng múa được. Tùy theo từng địa phương mà khi múa bát có thể vừa hát, vừa múa. Tuy nhiên, để người múa tập trung múa cho đều thì có nơi lại cử ra 1 người chuyên hát, 1 người thổi sao. Đầu tiên tốp múa xếp thành hai hàng chéo nhau, mỗi tốp 4 người, đũa cắm trên đầu, hai tay cầm hai bát, vừa múa vừa nhón chân.  Tay vung thấp sang hai bên theo nhịp, xếp thành một hàng ngang. Hai tay với đều theo nhịp ra phía trước để lấy đôi đũa trên đầu, hạ xuông từ từ, gài đũa đúng vị trí gõ bát. Hai bên đi lên thành 2 hàng dọc, xoay bát từ phía trước sang phía sau, sau đó hai hàng quay mặt vào nhau đá chân vào nhau, tung bát tay phải trước, sau đó đi thành vòng tròn lớn, ngồi xuống, tay phải đưa bát lên trước uốn người ra sau, có đổi tay. Đứng dậy đi vòng tròn, hai tay giơ bát chụm vào nhau, đổi tay hạ bát xuống lại chụm chân.....thành hai hàng dọc, ngồi xuống, tay hất hai bên. Xoay bát lên đến tỉnh đầu, ngửa bát xòe ra hai bên đứng dậy đi vòng tròn chia 2 hàng ngang. Hàng trước ngồi, hàng sau đứng, 2 tay vung đều hai bên. Hai hàng xoay bát từ phải sang trái ngược nhau. Sau đó hàng đứng vòng 2 bên, hàng ngồi vung chéo tay cuối cùng thành một hàng ngang và kết thúc.

Ngày nay múa bát còn được dàn dựng, phát triển lên để phù hợp với đời sống hiện đại, được biểu diễn trong dịp tết, lễ hội truyền thống hàng nămphục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến Bắc Kạn.Tuy nhiên, điểm khác của múa bát phát triển so với múa bát cổ là có thêm nhạc đệm không có người hát hay thổi sáo. Về nhạc múa bát phát triển có nhiều loại khác nhau theo từng vùng. Ông Hà Sỹ Hoàn là nghệ nhân dân gian thực hành và truyền dạy múa Bát dân tộc Tày ở huyện Chợ Đồn chia sẻ: “Múa bát là một điệu múa đặc sắc được tỉnh Bắc Kạn cũng như các thế hệ người Tày lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp nhưng cho đến nay các động tác múa vẫn gần như mang tính thống nhất, ít dị bản. Nhiều động tác múa mang ý nghĩa mô phỏng lại các động tác ươm tơ thủ công của bà con từ ngàn xưa, các hoạt động vật chất, sinh hoạt tinh thần hay lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày.Thông qua đó còn thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân về một cuộc sống đủ đầy, ấm no.”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương…Tại các địa phương như Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, đồng bào Tày biết làm du lịch và phát triển du lịch, để thể hiện lòng mến khách của mình, múa bát đã trở thành điệu múa chào đón khách phương xa mỗi khi đến với Bắc Kạn. Trên những homestay nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát như thanh âm vui nhộn của cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Tày hôm nay. Họ đã kế thừa và phát huy điệu múa cổ của cha ông để lại thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.

Ảnh 1: Điệu múa bát của người Tày được người dân ở thôn Cốc Tộc huyện Ba Bể biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Chị Nông Thu Biến, Trưởng đội văn nghệ dân gian thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: "Điệu múa Bát hiện nay đã được thay đổi chút ít về hình thức thể hiện để phù hợp với các hoạt động phục vụ du lịch. Ở vùng hồ Ba Bể có các thôn như Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi đang gìn giữ điệu múa bát truyền thống của người Tày. Hàng tuần, nhóm chúng tôi tập luyện thường xuyên để biểu diễn phục vụ du khách. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đều đánh giá cao và rất thích thú với điệu múa bát này".

Năm 2022, điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi nhận giá trị to lớn mà điệu dân vũ này mang lại cho đời sống cộng đồng. Đây cũng là điều kiện để "múa Bát" - điệu múa độc đáo của đồng bào Tày lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đồng bào Tày tỉnh Bắc Kạn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung.

Ảnh 2: Năm 2022, điệu múa Bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cũng đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nhiều đội văn nghệ dân gian đã được thành lập trên toàn tỉnh và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền, trong đó có điệu múa bát. Ngoài ra, các điệu múa dân gian cũng được tổ chức truyền dạy trong một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thí điểm thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học nhằm trao truyền những di sản văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, ngành chuyên môn cũng tích cực phối hợp với các địa phương trên địa bàn tập trung  tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về nội dung, giá trị, ý nghĩa của  điệu múa bát thông qua các bài nghiên cứu, bài viết, trình diễn múa bát trong các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động giao lưu, đối ngoại, hoạt động chính trị trong và ngoài tỉnh. Tạo ra không gian văn hóa lành mạnh nhằm tạo điều kiện cho điệu múa bát dân tộc Tày được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các lễ hội, các hội thi, hội diễn,… phục vụ nhu cầu giao lưu giải trí của nhân dân cũng như các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Hội thi dân ca, dân vũ từ tỉnh đến cơ sở, múa bát tại các chợ phiên, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, đặc biệt là các lễ hội truyền thống và các sự kiện văn hóa khác.

Năm 2024, một trong nhữngđiểm nhấn trong chuỗi các hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được tổ chức làsự kiện Ngày hội múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn với quy mô 1000 người sẽ được biểu diễn trong chương trình Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Kạn.Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “ Múa bát” của người Tày tỉnh Bắc Kạn gắn với hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triểnloại hình nghệ thuật dân gian đặc sắccủa người Tày tỉnh Bắc Kạn trong đời sống hiện đại.

Tác giả: Dương Thị Hương Liễu - Trung tâm VH&XTDL

Related Post

Sample Plan