Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Kạn

08/11/2021 1106 0
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông bắc Bắc bộ, cách thủ đô Hà nội 170 km theo đường quốc lộ 3, tiếp giáp với 4 tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông bắc Bắc bộ, cách thủ đô Hà nội 170 km theo đường quốc lộ 3, tiếp giáp với 4 tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng. Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú thuận lợi cho phát triển du lịch như:  Hồ Ba Bể, Động Puông, Động Hua Mạ, Động Nà Phoòng, Thác Đầu Đẳng, Thác Tát Mạ, Ao Tiên... (huyện Ba Bể); động Nàng Tiên, thác Nà Đăng, hồ Khuổi Khe (Huyện Na Rỳ); Thác Nà Khoang, hồ Bản Chang (Huyện Ngân Sơn); Thác Bạc - Áng Toòng (TP Bắc Kạn)....; cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc của người Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay. Tỉnh Bắc Kạn có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; cùng với đó là những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, hoang sơ và cấu tạo địa chất độc đáo, với các hệ sinh thái đa dạng đây là những yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch sinh thái tiêu biểu cho du lịch Bắc Kạn.

 

Để khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào du lịch, quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo quy hoạch, mời gọi đầu tư để phát triển du lịch sinh thái trên các địa bàn chủ yếu như sau:

 

1- Phát triển du lịch tại huyện Ba Bể: Khu du lịch Ba Bể là khu du lịch trọng điểm của tỉnh với hơn 20 điểm tham quan cảnh quan thiên nhiên và văn hóa độc đáo là điểm nhấn về du lịch sinh thái, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Hồ Ba Bể, Động Hua Mạ, Ao Tiên, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Động Nả Phoòng, Đảo Bà Góa....với nhiều loại hình du lịch phong phú như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, leo núi mạo hiểm, bơi thuyền, nghiên cứu khoa học; du lịch cộng đồng…. Bản du lịch cộng đồng Pác Ngòi, xã Nam Mẫu là bản nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng sát với hồ Ba Bể. Bản có hơn 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Đặc biệt 100% dân trong bản đều là người Tày. Hiện nay đa số các hộ dân trong bản đều tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đến với bản Pác Ngòi du khách sẽ được trải nghiệm và thưởng thức những món ăn ngon đặc sản của vùng hồ (Cơm lam, cá nướng, tép chua, thịt chua, dạ yến, xôi ngũ sắc....); ngủ nhà sàn; tham quan hồ bằng thuyền độc mộc; đánh bắt cá trên sông, hồ; xem các thiếu nữ Tày biểu diễn hát then, đàn tính và mua các sản phẩm đặc sản của địa phương.... Ngoài ra, còn một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu thảo nguyên Lủng Cháng, xã Hà Hiệu; Khu rừng trúc Phiêng Phàng, xã Yến Dương; khu vực Đồn Đèn.v.v.

 

Thác Tát Mạ-Bản Duống, xã Hoàng Trĩ - Ba Bể

 

Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho các nhà đầu tư lớn, có uy tín trong lĩnh vực phát triển du lịch như: Tập đoàn Sun Group đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể; Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Ba Bể đầu tư khu du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh Ba Bể; Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đầu tư du lịch sinh thái Ba Bể .v.v.

 

2. Phát triển du lịch huyện Pác Nặm: Điểm du lịch Mù Là thuộc xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, nằm cách trung tâm xã Bộc Bố khoảng 20km về phía Tây, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn hơn 70km và giáp với xã Hồng Thái, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). Đầu xuân hằng năm, Lễ hội Mù Là được tổ chức ở đỉnh đèo thôn Lủng Phặc vào ngày 13, 14 tháng Giêng. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông sinh sống tại khu vực giáp ranh Pác Nặm (Bắc Kạn) và Na Hang (Tuyên Quang), thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự. Đâycũng là điểm đến lý tưởng cho du khách, đặc biệt là các nhóm dã ngoại ngoài trời, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cảnh sắc mê đắm lòng người với những vạt hoa cúc cánh bướm đủ màu sắc, những đồi cỏ xanh mướt và không khí dịu mát, trong lành, các điểm check in để các bạn trẻ lưu giữ những bức hình đẹp và hòa mình vào thiên nhiên. Để khai thác du lịch Mù Là, huyện Pác Nặm đang chú trọng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, mạng viễn thông và mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để xây dựng thành điểm du lịch sinh thái mang bản sắc văn hóa, dân tộc nơi đây để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

 

3. Phát triển du lịch huyện Ngân Sơn: Huyện Ngân Sơn có thác Nà Khoang nằm ở chân Đèo Gió ngay sát đường quốc lộ 3, thuộc thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, cách thành phố Bắc Kạn 45 km về phía bắc, khu vực thác có diện tích khoảng 12 ha. Thác Nà Khoang được hình thành bởi hai con suối: suối Nà Đeng chảy qua khe núi Lũng Chang và một con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng chảy từ hướng Tây Nam xuống hợp thủy với dòng suối Nà Đeng, với độ dốc lớn đã tạo thành hệ thống thác 4 tầng dài khoảng 600m, chiều rộng trung bình 15m, sau đó chảy xuống suối Bản Mạch.Thác gồm 4 tầng, chân thác là các hồ nước nhỏ có độ sâu từ 1 đến 2m, tạo thành các bãi tắm tự nhiên rất đẹp. Hiện nay có nhà đầu tư, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ.

 

Ngoài ra, huyện Ngân sơn còn có hồ Bản Chang thuộc xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, cách trung tâm huyện Ngân Sơn khoảng 6 km về phía Bắc. Hồ Bản Chang là một hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp, với diện tích mặt hồ khoảng 40,80ha, xung quanh là những cánh rừng thông và những làng bản của dân tộc Tày, Nùng. Nơi đây được ví như Đà lạt 2 vậy; đây là địa điểm phù hợp để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các hoạt động du lịch khác như: câu cá, cắm trại, tổ chức các giải chạy quanh bờ….

 

Đồi thông thuộc khu vực hồ Bản Trang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn

 

4. Phát triển du lịch tại huyện Na Rỳ: Hiện tại, huyện Na Rỳ đã xây dựng đề án quy hoạch chi tiết phát triển du lịch tại huyện Na Rỳ, theo đó: Thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư được UBND huyện đưa vào đề án xây dựng điểm tham quan, nghỉ dưỡng và giao lưu văn hóa ẩm thực dân tộc Dao nằm trong dự kiến các tour du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Động Nàng tiên, Chợ đêm Phố Cổ thị trấn Yến Lạc, hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Thác Nà Đăng xã Sơn Thành, Thác Nà Cà xã Đổng Xá, Động Lũng Danh xã Liêm Thủy...; kết nối với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP huyện làm điểm đến như: Hợp tác xã miến dong Tài Hoan, cơ sở sản xuất Quẩy, bánh ngô....Đặc biệt, cách thị trấn Yến Lạc 5 km (Trung tâm huyện Na Rỳ) về phía đông có Động Nàng Tiên; động sâu (dài) hơn 200m, trần động chỗ cao nhất khoảng 30m, lòng động rộng trung bình 20m, trong động có nhiều nhũ đá đẹp và có một vòm đá rộng, bên trong có một phiến đá lớn phẳng, kích thước như một chiếc gường, xung quanh nhũ đá rủ xuống như tấm rèm mềm mại, lấp lánh tựa như căn phòng ngủ lộng lẫy. Tương truyền các tiên nữ nhà trời khi ghé thăm trần gian đã nghỉ lại tại căn phòng này trong động, nên động có tên gọi là động Nàng Tiên như hiện nay. Từ động Nàng Tiên du khách có thể tiếp tục chuyến tham quan du lịch Hồ Khuổi khe, là hồ thủy lợi được xây dựng và hoàn thành năm 2007, diện tích mặt nước 32 ha, chiều dài trên 8km, có cảnh quan thiên nhiên đẹp với hệ thống thảm thực vật, rừng trồng, hình thái tự nhiên..là tài nguyên du lịch có tiềm năng. Thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tại đây hệ động vật có 386 loài, 108 họ, 29 bộ, trong đó có 56 loài có trong sách đỏ Việt Nam như: Voọc đen, vượn đen tuyền, voọc mũi hếch, cu ly, gấu, hổ, báo, hươu xạ, trĩ đỏ.... Thăm động Lũng Danh xã Liêm Thủy....

 

5. Ngoài một số điểm tại các huyện nêu trên. Bắc Kạn còn một số địa điểm khác có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như sau:

 

- Khu vực thành phố Bắc Kạn có: Thác Nà Noọc hay còn gọi là thác Bạc là thác nước tự nhiên nằm ở chân đèo Áng Toòng thuộc phường Xuất Hóa. Động Áng Toòng là hang động tự nhiên, hệ thống hang được chia thành hai tầng. Toàn tuyến hang là những thạch nhũ đa dạng về màu sắc, độc đáo, phong phú về hình dáng, có chỗ thạch nhũ màu vàng nhạt trông như những dải lụa; chỗ có màu vàng xen trắng được tạo thành từ các kẽ đá rải khắp mặt động; trên trần động, các thạch nhũ chảy xuống như những bông hoa thủy tinh rực rỡ. Khu vực hồ Nặm Cắt thuộc xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) có diện tích mặt nước rộng hàng trăm héc-ta. Tiềm năng này mở ra cơ hội phát triển du lịch của thành phố và tạo việc làm cho người dân...

 

- Khu vực huyện Bạch Thông: Có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng hấp dẫn như: Khu thác nước Vằng Áng, xã Vi Hương; đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá thiên nhiên. Bãi đá ở thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong nằm trên dải suối Nặm Cắt.

 

- Khu vực huyện Chợ Đồn: Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng; Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 7 xã thuộc huyện Chợ Đồn là các xã ATK của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và công nhận huyện Chợ Đồn là vùng ATK của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ra, huyện Chợ Đồn có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc với quần thể di tích lịch sử gồm hệ thống đường khai thác khoáng sản hàng trăm năm tuổi do người Pháp xây dựng, khu nhà ở của người Pháp… vẫn còn được giữ khá nguyên trạng. Đến xã Bản Thi, du khách yêu thích du lịch tâm linh sẽ được tham quan, vãn cảnh tại Đền Tiên Sơn, Đền Phja Khao và tại thôn Bản Nhượng, xã Bản Thi còn có di tích Phia Tắc - Nhà máy in tiền đầu tiên của Bộ Tài chính, hay di tích Hệ thống cáp tời quặng thôn Phia Khao.v.v.

 

Với tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái như trên; hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cú huých đột phá về phát triển du lịch, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Tác giả:  Ngô Vấn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu