MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

26/12/2023 1048 0

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 120 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và di tích An toàn khu Chợ Đồn, 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 69 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 42 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng; kiểm kê, nhận diện được 204 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, sưu tầm được trên 4.081 hiện vật và sưu tập hiện vật, 20 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 01 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam”.

Trong những năm gần đây, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử đang dần đóng vai trò là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng hành việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộctỉnhđã có nhiều chủ trương về phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát triển văn hóa, cụ thể như: Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2030; Quyết định số 1243/QĐ-UBND, ngày 06 tháng 7 năm 2020 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Quyết định số 1489/QĐ-UND, ngày 11 tháng 8 năm 2021 ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 367/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 3 năm 2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”….

Toàn tỉnh hiện có 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và di tích An toàn khu Chợ Đồn, 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 69 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 42 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng; Giai đoạn 2016 - 2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cácDi tích cấp quốc gia từ nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa gồm: Di tích Đèo Giàng, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn; Di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn; Di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; Di tích Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn; Di tích Động Nàng Tiên, xã Lương Hạ, huyện Na Rì; Địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn; Đồn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; Động Áng Toòng, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn.Đồng thời, thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Coỏng Tát - Nơi thành lập chi bộ Chí Kiên - Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn;di tích lịch sử bốt Khau Pàn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; di tích lịch sử đồi Khau Mạ - nơi ở, làm việc của đồng chí PhạmVăn Đồng và Văn phòng Chính phủ các năm 1950 -1951; di tích danh lam thắng cảnh Động Nàng tiên thị trấn Na Rì, huyện Na Rì; Địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường đi từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945, tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn.

Trong năm 2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và hiện nay đang tổng hợp ý kiến góp ý Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, huyện Ba Bể.

Di tích lịch sử Bản Ca (Nơi làm việc của Bác Hồ cuối năm 1947) thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn. (Ảnh: Hà Thị Tuyết - Phòng VH&TT huyện Chợ Đồn)

Thực hiện Chương trình MTQG thực hiện dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2023 Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành bảo tồn, phục dựng Lễ hội văn hóa, truyền thống “Chợ tình Xuân Dương” tại xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; Bảo tồn, phục dựng Lễ hội Lồng tồng thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Lượn Slương” của người Tày huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; tổ chức khảo sát đánh giá về di sản văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đến nay, thông qua phương thức mua, bán, hiến tặng đã tổ chức sưu tầm được trên 4.081 hiện vật và sưu tập hiện vật (có 16 sưu tập hiện vật);tổ chức kiểm kê, nhận diện 204 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó hằng năm lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị.Hiệnnay, tỉnh Bắc Kạn có 20 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Hát Pá Dung, lễ cấp sắc của người Dao; lễ Kỳ Yên, múa bát của người Tày; hát Sli của người Nùng; hát Lượn cọi của người Tày; nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày, hát ru của Người Tày…. và 01 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam”.

Chính sách đối với nghệ nhân, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phi vật thể được quan tâm thực hiện, đến nay tỉnh Bắc Kạn có 10 nghệ nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 02 “Nghệ nhân Nhân dân” và 08 “Nghệ nhân Ưu tú”); chế độ bảo hiểm y tế đối với nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn được tỉnh thực hiện cấp thẻ và khám chữa bệnh theo quy định.

Trên cơ sở các di sản đã được ghi danh và các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề tài, dự án như: Bảo tồn và phát huy di sản thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái; lượn Cọi của người Tày, huyện Pác Nặm; nghệ thuật múa Khèn của dân tộc Mông; nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; chữ Nôm, Lễ cấp sắc của người Dao; bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch Ba Bể..., qua đó góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.

Hằng năm, thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch thường niên tại tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với các địa phương trên cả nước nhưChương trình “Tuần văn hoá - du lịch Bắc Kạn”; “Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”; Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Kạn tại các thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng, khu vực và các tỉnh, thành phố lớn (thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc; thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc; Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn…).Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong khu Việt Bắc nhằm tuyên truyền quảng bá về miền đất, con người, văn hoá, giới thiệu tiềm năng du lịch và cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc.

Những kết quả đã đạt được đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với khai thác, phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang đặt ra những vấn đề như:

Thứ nhất: Nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên do thế hệ nghệ nhân dân gian đã cao tuổi, còn thế hệ trẻ chưa có đủ  nhận thức để tự hào về vốn văn hóa bản địa của chính dân tộc mình.

Thứ hai: Nguồn vốn đầu tư bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa còn hạn hẹp chưa tương xứng với giá trị vốn có cần bảo tồn, khai thác và phát huy. Việc ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa, cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, các đề tài nghiên cứu, cơ chế hỗ trợ đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa được thực hiện.

Thứ ba: Việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa chưa gắn kết chặt chẽ đồng bộ với phát triển du lịch. Một số địa phương tổ chức thực hiện còn lúng túng, có bảo tồn, phát huy nhưng bản sắc văn hoá chưa thực sự đậm nét. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là Bảo tàng tỉnh chưa có không gian trưng bày hiện vật (vì đang sử dụng một di tích làm trụ sở), việc giáo dục truyền thống ngoài nhà trường, bổ sung kiến thức lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, thu hút học sinh, người dân và du khách tham quan còn nhiều hạn chế.

Thứ tư: Một số nhiệm vụ gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa về ngôn ngữ, chữ viết, các nghề thủ công truyền thống chưa được quan tâm thực hiện; lựa chọn, cách điệu một số lễ hội và sinh hoạt văn hóa tại các thôn, bản du lịch do Nhân dân bản địa trực tiếp thực hiện, tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch ít, không hấp dẫn khách du lịch, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống, hàng lưu niệm đơn điệu, hệ thống dịch vụ du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp cao, giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước còn gặp nhiều khó khăn vì vậy phần nào hạn chế sự phát triển các hoạt động du lịch tại các địa phương.

Để khai thác tốt các giá trị văn hóa phục vụ du lịch, phát triển du lịch cần đi đôi với bảo tồn, mà bảo tồn cần phải chú trọng bảo tồn những giá trị theo đúng nguyên bản, không có sự pha tạp, lai căng. Đó là yếu tố thu hút và hấp dẫn khách du lịch hơn nữa.

Từ những khó khăn, hạn chế trên, để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn xác định trong thời gian tới thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:

Một là: Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn huy các giá trị văn hóa truyền thống góp phần phát triển du lịch, đưa du lịch văn hóa thành thế mạnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là: Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa cần có chính sách, cơ chế phù hợp, có sự quan tâm đồng bộ của các cấp các ngành, các địa phương và đồng hành của người dân.

Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức được lợi ích của việc bảo tồn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình với việc phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. 

Bốn là: Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa và phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hóa của tỉnh.Tăng cường nguồn lực về kinh phí và con người trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, đặc biệt là kinh phí dành cho công tác kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, phổ biến, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản đang có nguy cơ bị mai một, các loại hình DSVHPVT đã được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Năm là: Tổ chức các chương trình, sự kiện, giao lưu, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa, đặc biệt là các loại hình DSVHPVT đã được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia; nâng cao năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa; học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả, sáng tạo tại các địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Có thể khẳng định: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tư duy của những nhà chiến lược, tính toán của các nhà hoạch định chính sách, trong hoạt động của những nhà sản xuất kinh doanh và của tất cả mọi người trong mối quan hệ ứng xử giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhận thức được như vậy sẽ góp phần làm vốn văn hóa dân tộc không bao giờ mất đi, bản sắc văn hóa ngày càng tốt đẹp, tỏa sáng và là động lực để đưa dân tộc ta bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững và tốt đẹp./.

Ảnh: Công nhận Di sản hát ru của người Tày xã Hà Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh Việt Bắc – Báo Bắc Kạn)

Tác giả: Vi Thị Kim Chinh – Quản lý Du lịch và Di sản

 

 

 

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu