Ba Bể phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

19/12/2022 528 0

          Với tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nhiều hang, động đẹp ở vùng hồ Ba Bể, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Huyện Ba Bể định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, đang là hướng đi mới được người dân quan tâm thực hiện, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững, nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những sản vật của địa phương.

          Phát triển du lịch tiếp tục được Đại hội Đảng bộ huyện Ba Bể lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là một trong những khâu đột phá của huyện. Để cụ thể hoá chủ trương đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030. Trong đó, nêu rõ về vấn đề xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ phát triển du lịch. Trao đổi về vấn đề này, ông Ngôn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, xã đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP mang tính dịch vụ ngành nghề sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ nhà nghỉ homestay, bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc, cam kết bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch.

          Bên cạnh các sản phẩm OCOP về nông nghiệp, tại xã Nam Mẫu đang tập trung vào 2 sản phẩm OCOP về du lịch đó là Quỳnh Mai homestay, thôn Bó Lù và Ba Bể Green Homestay Đổng Hoán, thôn Pác Ngòi. Chị Đàm Quỳnh Mai, chủ cơ sở Quỳnh Mai homestay bày tỏ: Ban đầu, chúng tôi cũng chưa hiểu rõ Chương trình OCOP về du lịch, nhưng được cơ quan chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết, tôi đã hiểu cần phải làm gì để xây dựng thành sản phẩm OCOP về du lịch. Theo tiêu chí, tôi thực hiện tiếp đón khách du lịch văn minh, lịch sự; vệ sinh, môi trường sạch sẽ, không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã…, phổ biến mọi người xung quanh, hướng đến các sản phẩm OCOP, Homestay dần chuẩn hoá, hoàn thiện về quy định, quy chế và cộng đồng trong đầu tư vào phát triển du lịch, dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song để hoàn thiện những nét văn hoá đặc sắc đến với du khách trong và ngoài nước tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí để khai thác sản phẩm du lịch ngày càng bài bản hơn.

Chị Đàm Quỳnh Mai (Người đứng ở giữa) được UBND tỉnh Bắc Kạn trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP Homestay Quỳnh Mai.         

Tại cơ sở lưu trú du lịch Ba Bể Geen Homestay, anh Đổng Văn Hoán cho biết, nhận ra nguồn lợi từ việc làm du lịch, nắm bắt xu thế, nhu cầu du khách, năm 2019 Homestay của chúng tôi được cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thành mô hình sản phẩm OCOP du lịch mang tính dịch vụ, từ đó kết hợp với tổ dịch vụ văn nghệ của địa phương, tổ chức các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ phục vụ du khách, phục vụ các tua, tuyến du lịch, khám phá trải nghiệm du lịch Hồ Ba Bể bằng xuồng, thuyền kayak. Ngoài ra, hướng dẫn du khách có thể tận tay làm ra những sản phẩm đẹp mắt mang về làm quà cho gia đình, được thử làm bánh dày, trải nghiệm thả lưới bắt cá trên hồ Ba Bể. Mặc dù thời điểm khi bắt đầu xây dựng mô hình OCOP, Ba Bể Green Homestay cũng gặp không ít khó khăn bởi tính cạnh tranh, khoảng cách địa lý cũng như hạ tầng du lịch. Nhưng bằng tất cả tâm huyết, Ba Bể Green Homestay đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường học hỏi và xúc tiến, quảng bá, liên kết với các công ty lữ hành du lịch, khẳng định thương hiệu Ocop về du lịch, nâng tầm giá trị, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, huyện Ba Bể rất quan tâm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đồng thời ban hành nhiều chính sách, khuyến khích phát triển du lịch. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn đang quan tâm để đầu tư vào Ba Bể, như Công ty Cổ phần Sài Gòn – Ba Bể, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Trường Thành… Hiện nay loại hình cơ sở lưu trú du lịch homestay phát triển mạnh ven hồ Ba Bể; các dịch vụ đưa đón, hướng dẫn tham quan vùng hồ Ba Bể tạo nên một không khí sôi động nhộn nhịp. Song song với việc phát triển du lịch, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình Ocop, huyện Ba Bể đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đồng chí Ma Thị Cử - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã được huyện quan tâm chỉ đạo, xác định những sản phẩm có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP, tiếp tục phát triển để nâng hạng sao các sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Từ những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ba Bể đã xác định trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đổi mới và phát triển, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương.

Để tiếp tục phát triển, năm 2023, huyện Ba Bể sẽ tập trung triển khai có hiệu quả tiềm năng lợi thế về du lịch, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch trở lên, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế./.

Tác giả: Hoàng Chúc - Trung tâm VHTT&TT huyện Ba Bể

相关文章

样品计划