Đổi mới tư duy phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp địa phương

21/08/2023 261 0

Nắm bắt xu hướng du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phổ biến và được nhiều du khách ưa chuộng, do vậy tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hoá và môi trường sinh thái.

Thực tế cho thấy, dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số địa phương trong tỉnh đã bước đầu đưa vào khai thác phục vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan như các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, với những mô hình trải nghiệm như: Vườn Nho Hạ Đen xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, mô hình nuôi cá nước lạnh kết hợp với du lịch tại thác Pù Lầu tại thôn Phiêng Phàng, mô hình trải nghiệm du lịch vùng sản xuất bí xanh thơm xã Yến Dương, huyện Ba Bể; mô hình trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, 02 mô hình trồng dâu tây kết hợp du lịch xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn và sản xuất lúa ruộng bậc thanh kết hợp du lịch trải nghiệm khu cánh đồng Nà Nặm, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể…đang là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút đông đảo du khách  tham quan trải nghiệm.

Hình ảnh du khách trải nghiệm vườn dâu tây Bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn

  Những năm gần đây, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi từ các loại hình du lịch truyền thống sang các loại du lịch mới, đề cao yếu tố gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt là từ sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch du lịch xanh, du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn ngày càng phổ biến và được nhiều du khách ưa chuộng. Nắm bắt xu thế đó, trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn cũng đã có chỉ đạo phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 776/KH-UBND ngày 25/12/2020 về phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch giai đoạn 2020- 2025 nhằm đẩy mạnh hình thành các vùng, HTX sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp để gắn với các hoạt động du lịch, tăng cường khai thác hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó tập trung xây dựng 06 mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tạo nên sự phong phú, hấp dẫn để phát triển du lịch địa phương, gồm: (1) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm tại xã Yến Dương, xã Địa Linh huyện Ba Bể gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; (2) mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất và chế biến Chè tại xã Mỹ phương gắn với tuyến du lịch Hồ Ba Bể; (3) mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng Hồng không hạt tại xã Quảng Khê huyện Ba Bể gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; (4) mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông gắn với tuyến du lịch trải nghiệm, thăm quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc và du lịch hồ Ba Bể; (5) mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc gắn với thăm quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc, hồ Ba Bể; (6) mô hình du lịch trải nghiệm vùng đào, lê, dẻ huyện Ngân Sơn gắn với tuyến du lịch Ba Bể - Pác Bó - Thác Bản Giốc.

Theo thống kê giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh hiện có 126 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng (trong đó: 01 sản phẩm ocop 5 sao; 11 sản phẩm ocop 4 sao; 114 sản phẩm ocop 3 sao), 10 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống. Đây là cơ sở khai thác thêm dòng sản phẩm du lịch nghề, có khả năng bổ trợ cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn..

Đặc biệt, kết quả bước đầu từ quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo dựng nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn . Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ; kinh tế, xã hội và môi trường phát triển ngày càng hài hòa; môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; an ninh chính trị được giữ vững... Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 23 xã, 53 thôn đạt chuẩn NTM; 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây cũng chính là tiền đề, là lợi thế lớn để tỉnh ta khai thác phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Việc xây dựng các mô hình nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch thành công sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan, từ đó sẽ tăng khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, phấn đấu đến năm 2025 Bắc Kạn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của khách du lịch là 13%/năm, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh).

Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển mô hình du lịch vườn tại địa phương theo quy mô lớn hơn. Qua đó, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm nông, lâm nghiệp, quảng bá về văn hóa đặc thù của thiên nhiên và con người Bắc Kạn đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh những mặt đạt được, hiện tại việc phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế như: quy mô đầu tư xây dựng các mô hình khá manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, mang tính thời vụ và chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Người dân và doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để phát triển sản phẩm du lịch một cách bài bản, chất lượng và chuyên nghiệp; nguồn lực tham gia hoạt động du lịch còn thiếu, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Do vậy hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung vào các giải pháp như: Về công tác đào tạo nguồn nhân lực tổ chức tập huấn kỹ năng nghề về dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng OCOP nhằm đào tạo nghề cho người lao động nông thôn chuyển đổi sang hoạt động dịch vụ du lịch, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình liên quan đến hoạt động dịch vụ, du lịch phục vụ nhu cầu của du khách tại các điểm tham quan du lịch; có chính sách hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mở mới cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, khu chế biến, khu đón tiếp trưng bày và bán sản phẩm) phục vụ việc sản xuất của người dân kết hợp phục vụ du lịch, hỗ trợ kinh phí tư vấn, thiết kế để cải tạo cảnh quan khu sản xuất để đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch; hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng mở rộng liên kết với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến, sản phẩm du lịch tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm về dịch vụ du lịch cộng đồng…Làm được điều này việc sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng sẽ được khai thác và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tác giả: Vũ Thị Phượng - Chuyên viên Phòng Quản lý Du lịch và Di sản

 

 

相关文章

样品计划