Lễ công bố và trao Quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm

21/08/2023 245 0

Ngày 18/8/2023 tại huyện Pác Nặm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Pác Nặm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm.

Lễ đón nhận Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm được tổ chức gắn với sự kiện Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện Pác Nặm (19/8/2003 - 19/8/2023). Tham dự buổi lễ có đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục Trưởng Cục Di Sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Pác Nặm và đông đảo bà con Nhân dân các dân tộc huyện Pác Nặm.

Ảnh: Đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục Trưởng Cục Di Sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm - Nguồn ảnh Báo Bắc Kạn

Người Tày ở Bắc Kạn có nền văn hóa truyền thống từ lâu đời rất phong phú và đa dạng, được hình thành phát triển trong suốt tiến trình lịch sử tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt. Nghệ thuật diễn xướng dân gian có nhiều loại hình như: lượn, then, pụt, hát loàn, lượn cọi lượn slương, phong slư,… trong đó hát ru là một trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phổ biến mang đậm bản sắc văn hóa của Người Tày ở Bắc Kạn.

Hát ru gắn liền với vai trò của người mẹ trong việc sinh con, nuôi con đã sáng tạo nên các bài hát dỗ trẻ ngủ. Trải qua nhiều thế hệ kế thừa, phát huy, phát triển từ những câu hát mộc mạc của các bà, các mẹ không ngừng được bồi đắp, hoàn thiện tạo thành lối hát ru truyền thống. Thông qua lời hát mộc mạc, chứa chan tình thương yêu của người thể hiện đưa trẻ chìm vào giấc ngủ. Từng ngày như thế, những hình ảnh thân thuộc về cuộc sống thấm dần trong tiềm thức trẻ cho đến khi trưởng thành lại trở thành những ký ức đẹp, hành trang vào đời với tình cảm ơn sâu, nghĩa nặng với cha, mẹ, sự gắn bó với quê hương đất nước.

Để góp phần giữ gìn những di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một, từ đó có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Tày nói riêng, của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung. Ngày 01 tháng 6 năm 2023, tỉnh Bắc Kạn vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Sự kiện này, khẳng định và cho thấy kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng của Người Tày Bắc Kạn nói chung và người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm nói riêng.

 

Hiện nay di sản này vẫn đang được cộng đồng duy trì, nhất là trong các bản làng người Tày chưa bị ảnh hưởng của đô thị hóa, ngôn ngữ và văn hóa Tày vẫn còn nguyên giá trị truyền thống nhất là trên địa bàn xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Tuy nhiên, những người biết hát ru con theo làn điệu cổ truyền  phần lớn ở độ tuổi trên 60 tuổi, lớp trẻ còn ít người biết, ít quan tâm loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này. Việc thực hành hát ru tại một số địa phương có sự đậm nhạt khác nhau do tác động của sự phát triển kinh tế xã hội đời sống vật chất và sự hội nhập tiếp thu văn hóa từ bên ngoài.

Ảnh: Trích đoạn “Hát ru của người Tày” xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm - Nguồn ảnh: Báo Bắc Kạn

Với những ý nghĩa đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị của di sản văn hóa trong cuộc sống đương đại, góp phần kế thừa, phát triển tinh hoa văn hóa cổ truyền, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ý thực tự tôn dân tộc của mỗi người dân./.

Tác giả: Vi Thị Kim Chinh - Phòng Quản lý Du lịch và Di sản

相关文章

样品计划