Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn được tỉnh Bắc Kạn tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh về địa phương, con người một cách gần gũi và chân thật nhất. Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kạn mới chỉ có 02 sản phẩm OCOP du lịch.
Du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng và OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Cả hai lĩnh vực có sự liên kết không thể thiếu và khó tách rời nhau. Bắc Kạn có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch với đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương như: du lịch cộng đồng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể; Mô hình du lịch sinh thái tại hồ Bản Chang, huyện Ngân Sơn; du lịch trải nghiệm vườn dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, trải nghiệm vườn hồng không hạt, vườn mận của HTX Đồng Lợi tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể...Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp ở các địa phương này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân và khách du lịch.
Du khách trải nghiệm vườn hồng không hạt, vườn mận của HTX Đồng Lợi, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể
Trong số các sản phẩm OCOP có một sản phẩm độc đáo đó là: Homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là một trong hai mô hình đạt chứng nhận OCOP 3 sao dành cho những sản phẩm lĩnh vực du lịch, dịch vụ năm 2021. Trước đó, Homestay Quỳnh Mai luôn là địa điểm thu hút khách du lịch bởi mô hình được thiết kế xây dựng dựa trên nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương. Mô hình không chỉ cung cấp chỗ nghỉ thân thiện, có khuôn viên rộng, có nhà hàng phục vụ khách mà còn phục vụ nhu cầu khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc trong vùng.
Tại khu vực quanh vùng hồ Ba Bể, ngoài 02 mô hình du lịch Homestay Quỳnh Mai và Du lịch cộng đồng Ba Bể - Ba Bể Green Homestay đã đạt chứng nhận OCOP 3 năm 2021, hiện còn rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở bản Pác Ngòi, bản Bó Lù, Cốc Tộc… có thể phát triển trở thành sản phẩm OCOP. Bởi những mô hình này đều đảm bảo được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống; phục vụ tham quan ngắm cảnh; tham gia trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người bản địa; tổ chức được những buổi diễn văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương; những tour đi bộ, đi xe đạp, leo núi, chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể…
Du khách tham quan, trải nghiệm tại homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể
Từ các mô hình trên có thể thấy, sản phẩm OCOP là nền tảng để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Ông Dương Thanh Hoàn, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 165 sản phẩm 3 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 1sản phẩm 5 sao cấp quốc gia); hình thành trên các trung tâm, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Một số nơi đã hình thành các khu, điểm tham quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút hàng chục nghìn lượt khách ghé thăm. Đây chính là khởi điểm để Bắc Kạn thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là cơ quan quản lý các hoạt động về lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hỗ trợ chủ thể kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng; xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP phục vụ công tác phân phối, tiếp thị sản phẩm…
Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP đạt hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 818/KH- UBND ngày 29/11/2023 triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 trong đó tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp như: xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông thôn; phát triển, nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch mới; quảng bá, giới thiệu, kết nối và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn; kiểm tra, giám sát; tuyên truyền nâng cao năng lực về du lịch nông thôn.
Tác giả: Hoàng Hiền - Trung tâm Văn hóa và XTDL tỉnh