DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỒN PHỦ THÔNG DẤU ẤN KHÔNG PHAI MỜ

19/04/2022 643 0

Bạch Thông là mảnh đất anh hùng, nơi đã diễn ra nhiều trận đánh kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như trận Phủ Thông, trận Đèo Giàng... nay đã 75 năm đã trôi qua, trận công đồn Phủ Thông vẫn là dấu ấn không thể mờ phai trong trang sử hào hùng của  quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ảnh 1: Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồn Phủ Thông

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn là căn cứ địa kháng chiến, vùng trọng điểm trong các kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của Thực dân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Nơi đây vào tháng 10 năm 1947, quân đội viễn chinh Pháp do Trung tá Sô Va Nhắc chỉ huy với 1.200 quân đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), mở màn chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947;  ngày 15/10/1947 chúng tiến quân lên, chiếm đóng, xây đồn kiên cố trên một mỏm đồi tại khu vực núi Nà Cọt, thị trấn Phủ Thông, nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Lực lượng của chúng gồm 01 đại đội bộ binh, 01 trung đội trợ chiến khoảng 150 tên địch với nhiều vũ khí tối tân kèm súng trường và lựu đạn. Đồn có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m, cổng đồn quay về phía Nam, làm bằng gỗ chắc chắn, tường đắp bằng đất, dày 01 m, cao 02 m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, 04 phía có nhiều lỗ châu mai; 04 góc đồn là 04 lô cốt mẹ, xây nhà 02 tầng bằng gạch và đá: Góc Tây Bắc bố trí khẩu 12 ly 7 và cối 60 ly. Góc Đông Bắc bố trí 01 trung liên, góc Đông Nam bố trí 01 đại liên và cối 81 ly. Đồn cách ngã ba Phủ Thông 300m, nằm trên đường giao nhau giữa Quốc lộ 3 với đường tỉnh lộ 258 đi huyện Ba Bể, cách thành phố Bắc Kạn 18km. Tại đây quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông, đây là những trận công đồn đầu tiên khẳng định bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954. Nhằm đánh bại kế hoạch chiếm đóng và bình định của thực dân Pháp, quân ta đã đặt mục tiêu phải mở một trận đánh lớn vào Đồn Phủ Thông.

Ảnh 2: Trung tướng Trần Linh (thứ hai từ trái sang) nguyên Chính trị viên Tiểu Đoàn 11, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Bộ đội biên phòng ôn lại kỷ niệm về trận đánh nhân kỷ niệm 70 chiến thắng trận công đồn Phủ Thông

+ Trận tập kích lần thứ nhất: Diễn ra vào đêm 30/11/1947, bộ đội ta phối hợp với dân quân du kích địa phương đã tấn công vào đồn Phủ Thông tiêu diệt 15 tên địch, làm 35 tên bị thương; về phía ta có 5 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

+ Trận tập kính lần thứ hai: Diễn ra vào đêm ngày 12/3/1948, được sự tăng cường của bộ đội chủ lực, quân ta đã phá sập phần lớn công sự và doanh trại trong cứ điểm của địch, làm thương vong gần 70 tên địch.

+ Trận tập kính lần thứ ba: Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất do Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo, trận đánh diễn ra vào tối ngày 25/7/1948 của Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 308 do đồng chí Vũ Yên chỉ huy, phối hợp với Tiểu đoàn 55 và Đại đội Ba Bể  thực hiện bằng hỏa lực mạnh, tiêu diệt và làm bị thương ¾ quân số địch, phá hủy hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn. Về phía ta có 109 đồng chí đã hy sinh. Trận đánh này đã tạo sức ép khiến cho quân địch phải rời khỏi thị xã Bắc Kạn. Trận đánh được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang tên “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Ảnh 3: Phòng truyền thống khu Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông

 Ngày 27/3/1998 di tích đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay di tích luôn được bảo tồn, gìn giữ. Hàng năm, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông đón nhiều đoàn khách từ Trung ương và địa phương về thăm, nơi đây cũng là địa chỉ giáo dục tư tưởng đối với thế hệ trẻ, ghi nhớ công ơn của các bậc cha, anh chúng ta đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do của ngày hôm nay. Trận đánh đồn Phủ Thông thể hiện ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của quân và dân ta, khiến kẻ thù khiếp sợ. Truyền thống quê hương cách mạng, ý chí kiên cường, là hành trang để Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Phủ Thông hôm nay phấn đấu, vươn lên, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./. 

Tác giả: Ngọc Diệp – Trung tâm VH,TT&TT huyện Bạch Thông

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu