Bắc Kạn triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch

01/06/2024 79 0

Bắc Kạn là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nhiều di tích lịch sử và nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực độc đáo. Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả là mục tiêu tỉnh đang hướng đến nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như: phong cảnh núi sông, hang động, thác nước, các sản phẩm nông sản Ocop…trong đó nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt – danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Với tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, Khu du lịch Ba Bể là trọng tâm, điểm nhấn để phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí cuối tuần…

Di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể được khai thác để phục vụ du lịch hiệu quả.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú: với 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (khu ATK Chợ Đồn và Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể); 07 di tích quốc gia và 62 di tích cấp tỉnh và 49 di đã kiểm kê; đi cùng với đó là các Lễ hội văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức dân gian, di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao....điển hình với 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ) và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Múa Bát của người Tày, nghệ thuật múa Khèn của người Mông, hát Pá Dung của người Dao, hát Sli của người Nùng… có thể nói, đây là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

Di sản văn hóa đang được bảo tồn, phát huy, gắn kết trong phát triển du lịch.

Nỗ lực đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng

Nghị quyết  số 18-NQ/TU  ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển  du lịch  trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn trong đó nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với phát triển du lịch. Tỉnh cũng tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Cùng với đó là xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trong các giải pháp phát triển ngành du lịch, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đến nay tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2023; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đây sẽ là cơ sở cho tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch chất lượng cao phục vụ cho hoạt động du lịch.

Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh thực hiện khảo sát, quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn.

Từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch của tỉnh như: Tuyến đường Thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); Tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, Ba Bể; hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể, tuyến đường 254, Dự án đường vào hồ Nặm Cắt, thành phố Bắc Kạn....Hiện nay tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn; chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Việc xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh trong khu vực.

 Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khi lượng khách đến với tỉnh có xu hướng ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh hiện có 237 cơ sở với tổng số 2.304 phòng, trong đó khách sạn 31 cơ sở ( từ 1 đến 3 sao); nhà nghỉ du lịch có 35 cơ sở; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay) có 171 cơ sở. Trên địa bàn tỉnh có gần 2000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi massage, Karaoke...); Riêng huyện Ba Bể có 86 cơ sở lưu trú du lịch và 166 xuồng vận chuyển khách tham quan Hồ Ba Bể đã được đăng kiểm theo quy định. Đây là tiền đề để tỉnh từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Song song với đầu tư về hạ tầng du lịch, tỉnh cũng tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch nhằm xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 04 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó, 03 công ty du lịch lữ hành nội địa, 01 công ty du lịch lữ hành quốc tế); 22  hướng dẫn viên du lịch, hơn 1.200 lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể; lực lượng lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá cao (70%), lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ khá thấp (20%) so với mặt bằng chung hiện nay. Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực góp phần sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu du khách, những năm qua, tỉnh đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch về kỹ năng, nghiệp vụ, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số và các kiến thức khác. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch, qua đó nâng cao chất lượng nhân lực cho phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần thực hiện mục tiêu trong phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu tham mưu ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã thông qua Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 23/10/2023 thí điểm hỗ trợ phát triển 3 điểm du lịch cộng đồng gồm: Thôn Khuân Bang (xã Như Cố, huyện Chợ Mới); thôn Cọn Poỏng (xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn) và thôn Bản Chiêng (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông) với 5 nội dung chính sách. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn cũng có kế hoạch dành kinh phí hỗ trợ các thôn bản qua 5 nhóm giải pháp, gồm: Hỗ trợ tư vấn về không gian, cảnh quan, sản phẩm và cách làm du lịch; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và phát triển du lịch cộng đồng; Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; Hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch - Một trong những vấn đề được xem còn hạn chế của du lịch Bắc Kạn hiện nay.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cho các địa phương.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được xác định là khâu quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch của một địa phương. Thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp và hoạt động đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch  thông qua tổ chức các chương trình như: Chương trình Tuần du lịch - di sản văn hóa Ba Bể;  Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Bắc Kạn tại Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Chương trình hoạt động Nhóm liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Đông Bắc,… Tỉnh cũng tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện, hội chợ, triển lãm du lịch trong nước như: Chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc; Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, ITE TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Yên, Điện Biên, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc,... đồng thời tổ chức các chương trình Farmtrip du lịch Bắc Kạn thu hút các công ty lữ hành du lịch, Hiệp hội du lịch, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước tham gia khảo sát, xây dựng tour, tuyến mới hấp dẫn, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông có lượng công chúng lớn. 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024, gồm các hoạt động như Triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Sắc chàm nơi đầu nguồn Sông Cầu”; màn múa - Ngày hội múa Bát người Tày tỉnh Bắc Kạn; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí và tham quan du lịch tại thành phố Bắc Kạn, huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí gắn với Lễ hội Văn hóa “Chợ tình Xuân Dương” tại huyện Na Rì...Tổ chức thường niên chương trình Famtrip “ Du lịch Bắc Kạn” và 3 cuộc xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong nước. Tổ chức cung cấp thông tin, quảng bá xúc tiến về du lịch của tỉnh trên cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn và Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn Famtrip và Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng cũng như tìm kiếm những lợi thế trong phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

Để thu hút du khách, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương trên cơ sở khai thác các tiềm năng sẵn có như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử - văn hóa,… tại Khu du lịch hồ Ba Bể với 20 điểm tham quan; khu sinh thái Nà Khoang (huyện Ngân Sơn); điểm du lịch di tích lịch sử Nà Tu (huyện Bạch Thông), điểm du lịch động Nàng Tiên (huyện Na Rỳ), khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK (huyện Chợ Đồn).... nhằm định vị Bắc Kạn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khai mạc chuỗi các hoạt động “ Tuần Văn hóa – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón 697.257 lượt khách, tổng thu 440,4/700 tỷ đồng đạt tỉ lệ 62,9% kế hoạch năm. Những kết quả bước đầu đạt được đã và đang khẳng định các mục tiêu đề ra đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, quyết tâm xây dựng du lịch Bắc Kạn phát triển bền vững, có thương hiệu, ghi dấu ấn tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước theo tinh thần, mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tác giả: Hương Liễu  - TTVH&XTDL

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu