Đổi mới ở Phiêng Phàng: Sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch

15/11/2022 494 0

Đoàn khảo sát Nhóm liên kết phát triển du lịch các Sở Du lịch/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc và thành phố Hồ Chí Minh đến với Phiêng Phàng vào một sáng cuối thu se lạnh, trông xa xa những thửa ruộng bậc thang rực sắc lúa vàng óng dưới chân những cánh rừng tự nhiên, đó là những ruộng Nếp Tài, giống lúa nếp, đặc sản của bà con người Dao Quế Lâm sinh sống ở nơi đây. Để đến được Phiêng Phàng, từ thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, Đoàn khảo sát di chuyển theo đường tỉnh lộ 258 hướng về thành phố Bắc Kạn khoảng 9 km, rẽ trái theo đường bê tông liên thôn 7 km là đến trung tâm thôn Phiêng Phàng ( xã Yến Dương huyện Ba Bể). Tới bản, đã thấy đồng bào trong trang phục rực rỡ sắc màu truyền thống của người Dao Quế Lâm tập trung đón chào du khách, ai cũng nở nụ cười thật tươi, từ người già tới các cô thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn, tay bắt, mặt mừng như đón người thân đi xa lâu ngày trở về nhà, thời tiết tương đối lạnh, nhưng các thành viên trong đoàn đều thấy ấm lòng và hồ hởi bởi không khí nồng ấm, mến khách của người dân nơi đây.

Bản làng đón khách (Ảnh: Đỗ Hùng)

Sau chén trà vùng cao làm ấm lòng người, Đoàn được chị Ma Thị Ninh- Chủ nhiệm Hợp tác xã Yến Dương (một trong những Hợp tác xã có các sản phẩm Ocop tốp đầu của tỉnh) cùng một cô gái trẻ người Dao đưa đi tham quan cánh đồng lúa Nếp Tài, gọi là cánh đồng lúa nhưng cánh đồng ở đây không “thẳng cánh cò bay” mà nhấp nhô, uốn lượn, từ triền núi cao xuống thấp của kiểu ruộng bậc thang, có đoạn lại bằng phẳng như ruộng của người Tày, xen kẽ trong ruộng lúa có những tảng đá lớn nhỏ tự nhiên lạ mắt, vô tình tạo thành điểm nhấn để check in, chụp hình cho du khách không thể tuyệt vời hơn, điểm mới ở khu cánh đồng lúa Nếp Tài đó là cách trang trí cổng, biển tên, tạo tiểu cảnh để thu hút du khách;

Thăm cánh đồng lúa Nếp Tài (Ảnh Hồng Liên- Minh Thư)

Dời cánh đồng lúa Nếp Tài, du khách được hướng dẫn quay trở lại bản để tiếp tục chuyến tham quan. Bản, làng người Dao vẫn giữ được nếp nhà truyền thống với mái ngói vảy và vách bưng ván gỗ, chuồng trại chăn nuôi gia súc đã được di dời khỏi trục đường chính để phục vụ việc phát triển du lịch cộng đồng tại thôn. Tiếp tục hành trình di chuyển thêm 1 km, đến độ cao gần 1000 m so với mực nước biển, du khách được thăm rừng trúc xanh mướt, các thác nước từ đỉnh núi đá chảy xuống tung bọt trắng xoá, thăm các bể cá hồi, cá tầm lớn nhỏ đón dòng nước mát, thưởng thức ẩm thực với bánh trôi nhân thịt chế biến từ gạo Nếp Tài, bánh cốm, xôi ngũ sắc, gà bản nướng, cá hồi, cá tầm được chế biến bởi các đầu bếp người Dao. Cùng hoà mình vào không gian văn hoá, văn nghệ dân gian với những lời ca, điệu múa rộn ràng trên bản người Dao, cảm nhận sức mạnh cộng đồng lan tỏa bởi sự đoàn kết của chính quyền và cộng đồng người dân trong thôn đang mong chờ chính sách phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước để tiếp sức, hướng dẫn cho bản làng đưa du lịch phát triển lên tầm cao mới.

Du khách TP Hồ Chí Minh thăm rừng trúc, thác nước, bể nuôi cá hồi (Ảnh: Hồng Liên)

Chưa đầy một năm trở lại, mà diện mạo du lịch nơi đây hoàn toàn thay đổi theo hướng phát triển xanh, tích cực, thu hút du khách muốn lần sau trở lại. Với những điều kiện đó, trong tương lai không xa khi những con đường được mở rộng, giao thông thuận lợi kết nối các điểm du lịch liên vùng trong huyện, Phiêng Phàng sẽ trở thành bản du lịch cộng đồng đặc sắc trên huyện vùng cao Ba Bể./.

Tác giả: Phạm Hồng Liên - Phòng Quản lý Du lịch và Di sản.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu