Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai công tác quản lý Nhà nước về du lịch năm 2023

22/12/2023 136 0

Sáng ngày 21/12/2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai công tác quản lý Nhà nước về du lịch năm 2023. Chủ trì Hội thảo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Thành phần tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Vụ liên quan của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch,Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành phố; các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí truyền thông. Đại diện tỉnh Bắc Kạn có Ông Hà Văn Tiến – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự Hội thảo.

Trình bày tham luận đề dẫn tại hội thảo, ông Ngô Hải Dương, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, phối hợp tham mưu ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch. Về công tác quản lý Nhà nước về du lịch giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, tổng số khách du lịch Quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý còn tồn tại một số hạn chế về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngành. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm. Một trong số nguyên nhân được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần. Một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao. Công tác quản lý Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững./.

Tác giả: Lý Thị Mười – Phòng Quản lý Du lịch và Di sản

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu