Phát huy giá trị các di tích lịch sử cấp quốc gia trở thành lợi thế để thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển

25/12/2023 240 0

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bắc Kạn là chiến khu cách mạng, tập trung nhiều cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Bởi vậy rất nhiều địa danh của Bắc Kạn đã đi vào lịch sử như: Đồn Phủ Thông, Đèo Giàng, Nà Tu và An toàn khu (ATK) Chợ Đồn… Bên cạnh yếu tố con người và yếu tố lịch sử thì thiên nhiên cũng ưu đãi ban tặng cho Bắc Kạn nhiều danh lam thắng cảnh như: danh thắng Hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ, hang Nả Phoòng…có thể nói kho tàng di sản văn hoá của tỉnh Bắc Kạn hết sức đa dạng và phong phú.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là danh thắng hồ Ba Bể và An toàn khu (ATK) Chợ Đồn; 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 69 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 42 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng.

Nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh của sự phát triển nhằm bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các di tích lịch sử cấp quốc gia trở thành lợi thế để thúc đẩy tỉnh Bắc Kạn phát triển.

Trong những năm qua, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 2030; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Năm 2018, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 -2025 (Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 14/12/2018).Trên cơ sở đó, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động thực hiện việc kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ khoa học di tích.

Về phân cấp quản lý di tích: UBND tỉnh Bắc Kạn thống nhất quản lý toàn diện tất cả các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Di tích lịch sử Đồi Nà Pậu

Về công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích: Từ nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, gồm: Di tích Đèo Giàng, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn; Di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn; Di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; Di tích Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn; Di tích Động Nàng Tiên, xã Lương Hạ, huyện Na Rì; Địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn; Đồn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; Động Áng Toòng, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn, di tích Khau Mạ xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa năm. Nhiều di tích đã được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch hiệu quả như danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ; các di tích lịch sử Nà Tu, ATK Chợ Đồn, đồn Phủ Thông, di tích Đèo Giàng... thu hút nhiều người dân, du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan.

Nhìn chung mỗi di tích quốc gia của tỉnh Bắc Kạn đều  là những sản phẩm văn hóa - lịch sử hoàn chỉnh có tính đặc thù, bước đầu tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn ở Bắc Kạn. Công tác bảo tồn, tu bổ di tích quốc gia được quan tâm đầu tư làm giá trị của di tích được bảo tồn, hình ảnh di tích trở nên hấp dẫn hơn trong lòng du khách và qua đó, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Bắc Kạn nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.

Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể luôn là nguồn nội lực to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Nhiều năm qua, khách du lịch quốc tế, trong nước đã biết tới danh lắm thắng cảnh hồ Ba Bể nhiều hơn.

Danh thắng quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Danh thắng quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Có thể nói việc phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và cộng đồng dân cư ở cơ sở. Bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hoá tạo động lực phát triển kinh tế xã hội không chỉ là mục tiêu cao cả của việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “... việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.”/.

Tác giả: Nguyễn Thị Hướng - Quản lý Du lịch và Di sản

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu