Tiềm năng du lịch khám phá hang động thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn

24/07/2023 441 0

Vượt hơn 30 km về phía Bắc của huyện Chợ Đồn theo đường tỉnh lộ ĐT.254, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc hiện ra trước mắt, đó là sự kỳ vĩ của núi non trùng điệp, những dãy núi đá vôi cao ngút san sát nhau trùng điệp, kèm theo đó là nét sinh hoạt đời sống văn hoá đặc sắc của đồng bào Tày, Dao,  Mông sinh sống tại địa phương.

Xuân Lạc xã vùng cao nằm ớ phía Bắc của huyện Chợ Đồn, cách trung tâm huyện 35km. Xã có tổng diện tích tự nhiên 8.421,69 ha, địa hình xã mang tính chất đặc trưng của khu vực miền núi Đông Bắc Bộ. Phần lớn địa hình có hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với nhiều dãy núi xen kẽ, dưới là những cánh đồng trồng lúa, hoa màu và hệ thống khe, suối kết hợp một cách hài hòa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa dạng. Dân số toàn xã có 907 hộ với 4.422 nhân khẩu gồm 7 dân tộc (Mông, Tày, Dao, Nùng, Kinh, Thái, Cao Lan) cùng sinh sống trên 14 thôn bản. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng, tính gắn kết cộng đồng cao, những nét độc đáo trên trang phục, văn hóa ẩm thực,… 

Trên địa bàn xã có Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc với tổng diện tích 2.352,62 ha, phần lớn diện tích nằm trên địa phận các thôn Nà D, Bn Eng, Bản Tưn và Bản Khang. Trong khu vực có nhiều loài động vật, thảm thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt trong khu bo tồn còn có con đường mòn xếp bằng đá xanh được xây dựng từ thời Pháp thuộc để vận chuyn khoáng sản, đường dài khoảng 12 km đi qua các dãy núi tai mèo xuyên từ thôn Nà Dạ đi khu Lũng Lì, Lũng Trang, Phia Khao (xã Bn Thi). Ngoài ra trên địa bàn xã còn có nhiều địa danh cnh đẹp như suối Nặm Phiêng, núi Tam Slao, thác Vằng Ong, núi Bành Tượng, Phia Mạt, Phia Chè Ó và “Thẳm mạy nghẻn” (Hang Nghiến)…

Phja Chè Ó cách trung tâm thôn Bản Ó khoảng 300 m, vượt một đoạn đường rừng là đến cửa hang “Thẳm mạy nghẻn”, ngước nhìn lên xung quanh cửa hang là cây rừng to nhỏ nối tiếp nhau và rất nhiều cây Nghiến (thuộc nhóm 2) phát triển tươi tốt tạo thành bóng mát phủ xuống cửa hang. Trên dãy Phja Chè Ó có hệ thống hang động thiên nhiên ban tặng phong phú như hang Thẳm Ảm Vàng, Thẳm lình, Thẳm Liền, Thẳm Mạy Nghẻn. Trong đó, thẳm Mạy Nghẻn là một trong số 7 hang động rộng nhất nằm trên dãy núi này.

Đặc biệt Hang “Thẳm mạy nghẻn” đã được đưa vào danh mục kiểm kê theo quyết định 1748/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021. Hang được liệt kê vào mục danh lam thắng cảnh đẹp của địa phương nằm trong vùng đệm của vườn Quốc gia Ba Bể. Theo tiếng Tày, Thẳm nghĩa là hang động, mạy nghẻn là cây Nghiến (là loại cây gỗ quý thuộc nhóm gỗ loại 2). Có lẽ hình ảnh cây nghiến bao phủ trên  đỉnh núi Phja Chè Ó đã trở thành là hình tượng để đồng bào dân tộc nơi đây gọi hang động này với một cái tên dân dã như vậy “Thẳm mạy nghẻn”.

Cách đây hàng triệu năm, do quá trình kiến tạo địa chất toàn cầu, vỏ trái đất biến đổi tạo nên sự đứt gãy hàng loạt hình thành ra các dãy núi, có những khoảng rỗng bên trong, nếu kết cấu khoảng rỗng kém bền vững thì sẽ bị sụp xuống và ngược lại kết cấu khoảng rỗng bền vững thì sẽ tạo thành hang đá. Trong hang đá hình thành các thạch nhũ là do quá trình tích tụ nước đá vôi thẩm thấu từ trên cao xuống có hình thon dài và vị trí nước rơi xuống cũng dần hình thành nhũ đá, hay còn gọi là măng đá. “Thẳm Mạy Nghẻn”cũng vậy, có lẽ hang đã được hình thành tương tự như những hang đá khác.

Cửa hang “Thẳm Mạy Nghẻn” rộng khoảng hơn 15 mét, hình vòm, là khoảng trống tự nhiên rộng lớn, nhìn từ trên cửa hang xuống thì hang rộng và sâu thăm thẳm. Từ cửa hang xuống đến lòng hang sâu khoảng 50m, người khám phá phải leo dây xuống theo các mỏm đá nhô trườn ra, vì là hang mới được khám phá nên còn giữ được nét hoang sơ, tự nhiên.

Lòng hang “Thẳm Mạy Nghẻn” có diện tích rộng hơn 5.000m2, độ cao nơi cao nhất khoảng 50 – 60m, hang hình vòm cánh cung, có kết cấu chia làm 3 tầng, độ cao chênh lệch giữa các tầng không lớn, xung quanh giới hạn hang là các vách đá có nơi thấp, nơi cao khác nhau. Nói như những người đã khám phá đi trước thì cảnh quan trong hang được ví như chốn tiên cảnh, vì trong hang có những nơi như: Buồng Cô Tiên, là những dải nhũ đá lấp lánh phủ xuống như rèm màn, đỉnh màn được bài trí đẹp mắt; Cánh đồng của Nàng Tiên, là những bậc hang nối tiếp nhau do quá trình tích tụ của dòng nước trước đây tạo thành, làm cho người nhìn cảm nhận như những thửa ruộng bậc thang trong hang; Cột Thiên (Cột trụ trời), từ cửa hang xuống bên phải có một cột nhũ đá hai màu nâu đất và màu trắng xen lẫn nhau, cột đá kết nối từ đỉnh hang xuống với chân hang, đường kính cột đá khoảng 3 mét; Chân Voi, là cột nhũ đá to bè ra tựa như bàn chân con voi, đường kính cột khoảng 1 mét. Ngoài ra còn có vô số những thác nhũ đá lấp lánh chảy dài theo vách đá nhìn ảo diệu như chốn bồng lai tiên cảnh… Nhiệt độ ở trong hang “Thẳm Mạy Nghẻn” chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời khoảng 8 – 10 oc, không có hiện tượng thiếu ô-xi. Thời gian khám phá hết hang “Thẳm mạy nghẻn” từ 3 – 4 giờ đồng hồ.

Một số hình ảnh về hang động tại Bản Ó, xã Xuân Lạc:

Để phát huy gía trị danh lam thắng cảnh đẹp “Thẳm Mạy Nghẻn” xã Xuân Lạc, ngày 21/6/2023 Uỷ ban nhân dân huyện đã ban hành Thông báo số 1464/TB-UBND chỉ đạo phòng chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế, các điều kiện để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm hang động này. Từ đó, tham mưu, xây dựng phương án bảo tồn, bảo vệ, phát triển gắn với du lịch.… thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến với địa phương. Hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Xuân Lạc xây dựng con đường vào Phja Chè Ó, và hệ thống điện thắp sáng trong hang… để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong thời gian tới./.

Tác giả: Ngọc Nước -  Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Chợ Đồn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu